TRÊN TỪNG CÂY SỐ - 1750 KMPhóng sự ảnh: Dương Phương Đại
Thưa các bạn, như phần I của phóng sự ảnh Trên Từng Cây Số - 1750 km chúng tôi đã giới thiệu, do chuẩn bị cho ngày thơ Dương Phượng Toại - Cánh Đồng và Ngọn Lửa” cho nên giờ tôi mới có dịp giới thiệu tiếp phần II mời các bạn đón xem:
Từ trên Cột cờ Lũ Cú đến 9h ngày 18 tháng 10, chúng tôi bắt đầu đổ đèo xuôi về thành phố Hà Giang để tiếp tục đi thực tế tại các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tạt qua dinh thự Nhà thờ Họ Vương một di tích của Vua Mèo. Nhà thờ họ Vương nằm giữa một thung lũng bản Sà Phìn. Đi qua chợ Sà Phìn là bước lên những bậc tam cấp để vào dinh thự Họ Vương. Nơi đấy, hai cha con Vương Chính Đức và Vương Chí Sình đã từng xưng hùng xưng bá, thao túng toàn bộ khu vực cực bắc, đông tây bắc một thời mà các thế lực thuộc pháp và Tưởng Giới Thạch cũng không làm gì nổi vì chỉ có Họ Vương mới quy phục được người dân ở khu vực này. Thế nhưng đến năm 1945, Vương Chí Sình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hóa và là đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II. Vương Chí SÌnh mất năm 1962 tại Hà Nội, linh cữu được đưa về Hà Giang táng tại Phó Bảng và được cải táng đưa về khu di tích Họ Vương bây giờ.
Tạm biệt Đồng Văn, gần 18h cùng ngày chúng tôi mới tới thành phố Hà Giang rồi theo Quốc lộ 2 chạy một mạch đến 20h tới ngã ba thị trấn Tân Quang thuộc huyện Bắc Quang nơi dẫn vào hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Sáng ngày 19 tháng 10 chúng tôi đi Hoàng Su Phì và Xín Mần với chặng đường trên 100 km đường đèo. Tuy nhiên đường đến Hoàng Su Phì có phần bớt quanh co nguy hiểm hơn so với đường lên Đồng Văn – Cao Nguyên Đá. Qua huyện Bắc Quang đến Nậm Ty chúng tôi bắt đầu ngợp trong cảnh sắc của ruộng bậc thang chập chùng cheo leo trên sườn núi. Đến Hoàng Su Phì giữa trưa, trời rực nắng. Thị Trấn nằm lọt thỏm trong một thung lũng yên tĩnh. RUộng bậc Hoàng Su Phì mới được công nhận là Di Sản Quốc Gia, đồng bào đã và đang vào vụ thu hoạch lúa mùa. Gọi là lúa mùa chứ thực ra ở đây đa phần chỉ canh tác có một vụ lúa, còn lại trồng ngô, trồng Tam Giác Mạch. Hoàng Su Phì có ba xã xó ruộng bậc thang đẹp nhất là: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên, được hình thành cách đây hàng trăm năm do cộng đồng các dân tộc La Chí, Dao, Nùng tạo nên bằng chính bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của mình. Mỗi thửa ruộng bậc thang ở đây không chỉ là mồ hôi đổ xuống của đồng bào mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thật kỳ công.
Hai ngày ở Hoàng Su Phì, trưa ngày 20/10, chúng tôi bắt đầu hành quân sang Xí Mần với chặng đường đèo trên 40 km. Xín Mần có thị Trấn Cốc Pài và các xã: Nàn Xỉn, Xín Mần, Bản Díu, Chí Cà, Thèn Phàng, Trung Thịnh, Pà Vầy Sủ, Ngán Chiên, Cốc Rế, Tả Nhìu, Thu Tà, Nàn Ma, Bản Ngò, Chế Là, Quảng Nguyên, Nấm Dẩn, Nà Chìvà Khuôn Lùng.
Buổi chiều hai chúng tôi đến thị trấn Cốc Pài khi nắng chiều như dát vàng trên những nương lúa, nương ngô đang chờ thu hoạch. Xí mần cũng có ruông bậc thang rất đẹp và mộng mơ trong sương chiều lơ lửng bay. Vợ chồng NCCN đón tiếp chúng tôi rất bình dị, đầm ấm, cởi mở. Buổi tối hôm đó, trong bữa cơm thân mật với những món ăn của người vùng cao, ăn nhiệt tình, uống nhiệt tình và chúng tôi đã say nồng nàn trong men rượu và tình cảm chân thành.
Trong hai ngày ở Xín Mần, hai vợ chông NCCN cùng thay nhau dẫn chúng tôi đi thăm và sáng tác nhiều xã trong huyện. Chủ nhật đúng phiên chợ, cả thị trấn Cốc Pài ngợp trong sắc màu sặc sỡ của đồng bào các dân tộc, nhất là người Mông, người Nùng…Bà con xuống chợ không chỉ đem bán con lợn, con gà cắp nách mà còn là giao lưu về văn hóa, tình cảm và cả văn hóa ẩm thực nữa…CHợ phiên Xín Mần cũng rất phong phú đa dạng như Vải vóc, ra quả và cả khu vực chuyên bán gia xúc gia cầm thôi thì đủ loại như Trâu, bò, lợn gà và cả chim cảnh…Chợ họp trong chợ và kéo dài trên đường phố tới vài ba cây số. Trai gái Mông Hoa, Nùng… sặc sỡ sắc màu, tha hồ khoe mẽ trong chợ phiên.
Buổi trưa CHủ nhật (22/10) sau bữa cơm trưa, chúng tôi bắt đầu chia tay gia đình vợ chồng NCCN, tạm biệt Xín Mần, tạm biệt Hà Giang trong bịn rịn…! ngọc Minh không quên gởi về xuôi chè santuyết đậm đã ngan ngát hương..! Chúng tôi bắt đầu đổ đèo trên 150 km đến tối mới đến Tuyên Quang. Sáng hôm sau gặp Tôm chia tay, rồi hành trình về xuôi sau một chuyến đi đáng để đời, gặt hái với bao thú vị một vùng cao Hà Giang ngây ngất trong cảnh đẹp, sương mờ, đèo cao và men rượu…!
CÔ GIÁO TÀY TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ
Tặng NCCN – NGỌC MINH
Cô giáo Tày ở Hà Giang,
Miền Cao Nguyên Đá trên ngang chừng trời
Rằng quê có núi có đồi,
Có hương chè tuyết thơm lơi lòng người.
Tây Côn Lĩnh cao vợi vời,
Hiên ngang, lừng lững giữa trời biên cương.
Ruộng thang mây ngan ngát hương
Có em Dao Đỏ vấn vương tơ tình.
Thức dậy trước lúc bình minh
Đấy là cô giáo quê mình sắt son.
Ngày ngày khắp suối cùng non
Đi gieo cái chữ không mòn gót chân.
Trong thôn, ngoài bản xa gần
Ôi "Nghiệp trồng người" đã ngần mươi năm!
Tình yêu rút ruột tơ tằm
Mở ra trang sách trăng rằm bản quê
Bây giờ noọng lại đam mê
Với nghề văn hóa đem về văn minh
Vùng cao nguyên đá thanh bình
Không lời nói bậy linh tinh giữa đàng.
Giữ cho ấm áp non ngàn
Dù thương dù ghét ta mang vào rừng
Tình quê muối mặn cay gừng
Trao nhau chén rượu xin đừng bỏ nhau
Vùng cao đa sắc muôn màu
Hoa văn gom nhặt làm giầu nét xưa
Quê ta ngày hội cầu mùa
Ngát hương đào tuyết, bỏ bùa sắc xuân
Mèn mén, thắng cố, rượu cần,
Ai say ngây ngất với vần thơ em!
Dương Phượng Đại

Mây lang thang

Cõng chữ trên đèo

Thiếu nữ!

Phó Bảng

Di tích nhà thờ Vua Mèo (họ Vương)

Đi chợ về

Về nhà anh đi em!

Một góc chợ phiên

Trao đổi

Một góc nhìn

Một góc ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Sau vụ gặt
Chiều vùng cao
Alo ...em đang đi chợ phiên!

Ngọn nguồn

Bên suối
Tuổi thơ

Cô gái Dao Đen
Đường kim mũi chỉ
Mùa hoa Tam Giác Mạch
Góc ẩm thực chợ phiên


Chợ phiên Xín Mần

Những thiếu nữ dân tộc Nùng đi chợ phiên

Chọi dê

Đổ đèo về xuôi